Giỏ hàng

Các nguyên nhân gây chấn thương hông trong khi chạy bộ

Chạy bộ là một môn thể thao được nhiều người lựa chọn. Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và giữ dáng cho cơ thể mà không cần tốn quá nhiều chi phí như một số môn thể thao khác. Tuy nhiên, chạy bộ không đơn giản chỉ là xỏ giày vô chân và chạy. Chạy bộ đôi khi cũng khiến người chơi gặp phải những vấn đề về sức khỏe nếu không tìm hiểu kỹ và thực hiện chạy bộ đúng phương pháp. Trong các vấn đề thường gặp trong chạy bộ thì đau hông là phổ biến nhất. Vậy các nguyên nhân gây đau hông khi chạy bộ là gì?

các nguyên nhân gây chấn thương hông

1.Tại sao hông lại bị đau?

Việc chạy bộ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe tim mạch, về tâm trạng và sức khỏ tổng quát. Tuy nhiên, việc chạy bộ không đúng phương pháp có thể gây ra chấn thương cho các khớp, bao gồm cả vùng hông. Đau hông ở người chạy bộ có nhiều nguyên nhân. Và một khi hông bị đau và căng cứng sẽ khiến cho người chạy bộ trở nên kém linh hoạt hơn, dẫn đến những căng thẳng khác cho cơ thể. Điều này có thể dẫn đến những chấn thương khác nghiêm trọng hơn. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây đau hông khi chạy, cùng các phương pháp điều trị và phòng ngừa.

   a. Căng cơ và viêm gân

Khi cơ hông chịu lực quá mức trong khi chạy sẽ có thể gây ra căng cơ và viêm gân. Căng cơ và viêm gân làm người chạy bộ cảm thấy đau nhức và cứng vùng hông, đặc biệt khó chịu khi chạy và gập hông. Để điều trị căng cơ và viêm gân, bạn có thể chườm lạnh lên vùng bị ảnh hưởng vài lần mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc kháng viêm theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu là trường hợp nghiêm trọng, bạn cần phải điều trị vật lý trị liệu. Nên đến khám tại bệnh viện khi trường hợp nghiêm trọng xảy ra.

   b.Hội chứng dải chậu chày (IBTS)

Hội chứng dải chậu chày (ITBS) thường tác động nhiều đến người chạy bộ. Bạn có thể cảm nhận khó chịu, đau nhức dọc theo bên ngoài hông và đầu gối. Dải xương chậu là một mô liên kết chạy dọc từ hông đến đầu gối và xương ống chân. Đoạn mô liên kết này trở nên căng cứng và khó chịu khi sử dụng quá mức hoặc thực hiện quá nhiều các chuyển động có tính lặp lại. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau nhức, nhạy cảm cùng đầu gối, đùi lan đến hông. Ngoài ra, bạn có thể nghe thấy tiếng lách cách phát ra khi di chuyển. Để điều trị ITBS, bạn có thể dùng thuốc kháng viêm, kết hợp chườm lạnh vùng bị đau vài lần mỗi ngày. Luyện tập co giãn nhẹ nhàng vùng tổn thương cũng giúp cải thiện sức mạnh và tính linh hoạt của vùng mô liên kết.

các nguyên nhân gây chấn thương hông
Hội chứng dải chậu chày là một nguyên nhân gây ra đau vùng hông

   c. Viêm bao hoạt dịch gân cơ

Bao hoạt dịch là túi chất lỏng có tác dụng làm đệm cho xương, gân, cơ ở khớp. Khớp hông cũng có bao hoạt dịch. Vì thế, các chuyển động lặp lại thường xuyên như chạy bộ có thể gây áp lực lên bao hoạt dịch khiến chúng bị đau và viêm. Viêm bao hoạt dịch được nhận dạng bởi triệu chứng sưng đỏ và kích ứng. Để điều trị viêm bao hoạt dịch, bạn nên nghỉ ngơi nhiều cho đến khi cảm thấy khỏe hơn. Bạn có thể chườm lạnh vùng hông bị ảnh hưởng mỗi ngày, kèm theo thuốc kháng viêm và giảm đau. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn nên tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu để tham khảo và thực hiện các bài tập hông hỗ trợ. Luôn khởi động bằng cách vươn vai nhiều lần trước khi chạy cùng với các bài tập cho hông. Nếu bạn đột nhiên không thể di chuyển hông, bị sốt hoặc đau hông dữ dội, sưng tấy, mẫn đỏ, bầm tím nghiêm trọng... bạn nên khám ngay tại các bệnh viện chuyên khoa.

   d. Bầm tím vùng hông

Bầm tím vùng hông xảy ra bởi một số loại tác động từ bên ngoài lên vùng hông, chẳng hạn như ngã, bị đánh. Vết bầm tím có thể kèm theo sưng đau. Khi bị bầm tím ở hông, bạn nên nghỉ ngơi cho đến khi vết thương lành hẳn. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục khác để giảm bầm tím như chườm lạnh vài lần mỗi ngày. Để giảm sưng đau, bạn có thể dùng băng thun kết hợp với thuốc kháng viêm và giảm đau.

   e. Rách sụn chêm

Sụn chêm hông là sụn ở vành ngoài khớp hông. Nó có chức năng đệm và ổn định hông, cố định phần trên của xương dùng trong ổ khớp hông. Rách sụn có thể xảy ra khi thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại quá nhiều, như chạy bộ. Nếu bị rách sụn chêm vùng hông, cơn đau có thể đi kèm theo tiếng lách cách khi di chuyển. Khả năng vận động của bạn cũng sẽ bị hạn chế, bạn có thể bị cứng khớp. Đôi khi, các triệu chứng cũng không phải lúc nào cũng rõ ràng để chẩn đoán. Nếu nghi ngờ bị rách sụn chêm, bạn cần phải đi khám ngay và điều trị ngay.Việc điều trị thường bao gồm vật lý trị liệu, dùng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc có khi phải phẫu thuật nội soi khớp hông nếu gặp phải trường hợp nghiêm trọng.

   f. Gãy xương hông

Gãy xương hông là một chấn thương nghiêm trọng có nguy cơ gây ra tử vong. Gãy xương hông thường là kết quả của các chấn thương nghiêm trọng trong thể thao, té ngã hoặc do tai nạn giao thông. Người lớn tuổi thương dễ bị gãy xương hông. Các triệu chứng kèm thao bao gồm sưng nặng, đau dữ dội với bất kỳ chuyển động nào. Phẫu thuật là phương pháp điều trị bắt buộc khi bị gãy xương hông. Sau phẫu thuật, để phục hồi được chức năng, bạn cần phải thực hiện vật lý trị liệu.

các nguyên nhân gây chấn thương hông
Gãy xương hông là chấn thương nghiêm trọng gây nhiều nguy hiểm đến tính mạng

   g. Thoái hóa khớp hông

Thoái hóa khớp hông gây ra cơn đau dai dẳng. Vấn đề này thưởng phổ biến ở các vận động viên lớn tuổi. Thoái hóa khớp hông làm cho sụn khớp hông bị phá vỡ, trở nên giòn hơn. Các mảnh sụn có thể bị tách ra bên trong khớp hông. Thể tích sụn giảm sẽ làm cho ma sát giữa hai xương nhiều hơn, gây đau, kích ứng và viêm khớp. Để phòng ngừa và điều trị thoái hóa khớp, bạn cần thực hiện một chế độ ăn uống với thực đơn phù hợp giúp chống viêm, kết hợp với thuốc điều trị giúp ích cho việc giảm đau và tăng cường linh hoạt trong vận động. Ngoài ra, việc duy trì một cân nặng hợp lý cũng có lợi cho khớp hông.

2. Phục hồi sau chấn thương

Nếu bạn bị đau hông khi đang chạy, tốt nhất là bạn nên tạm ngừng cho đến khi cảm thấy tốt hơn để tránh những chấn thương nghiêm trọng. Để đẩy nhanh quá trình phục hồi, bạn cần ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D và Calci như cá hồi, ngũ cốc, sữa, kết hợp thực phẩm tăng cường. Khi cơ thể đã phục hồi, bạn nên bắt đầu luyện tập với một nửa thời lượng và cường độ. Quay trở lại thói quen luyện tập như trước một cách chậm rãi để cơ thể dễ thích nghi hơn.

3. Phòng ngừa

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn cần chú ý đến mức độ khó chịu ở hông và ngăn chặn càng sớm càng tốt khi cơ thể có các dấu hiệu cho thấy có thể bạn sắp bị chấn thương.Luôn khởi động thật kỹ lưỡng trước khi vận động. Hãy đầu tư cho bản thân một đôi giày chất lượng, vừa vặn với đôi chân, có thể hấp thu sốc khi chạy. Bạn có thể sử dụng các loại đai định hình ngăn ngừa chấn thương trong khi vận động để cải thiện chức năng và giảm đau. Ngoài ra, việc thường xuyên luyện tập vùng hông sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hông mà còn cho cả cơ mông, cơ tứ đầu và vùng lưng dưới.

Các chấn thương vùng hông là một trong những chấn thương phổ biến khi chạy bộ. Để hạn chế xảy ra chấn thương, bạn cần luyện tập nhiều hơn, tốt nhất là luyện tập có sự hỗ trợ của huấn luyện viên để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, dinh dưỡng thể thao cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các chấn thương hông trong chạy bộ. Liên hệ ngay với Sport Nutrition để được tư vấn sản phẩm dành riêng cho bạn.