Giỏ hàng

Ngăn ngừa tổn thương trầy xát do chạy bộ

Tổn thương trầy xát vùng do do ma sát với trang phục khi chạy bộ là vấn đề phổ biến ở những người chơi thể thao. Có đến hơn 40% người chạy bộ cho biết họ từng bị trầy xát và chịu đựng những phồng rộp trên cơ thể. Có hai loại trầy xát là khi da ma sát với trang phục và khi da ma sát với da. Trong cả hai trường hợp, sự trầy xát sẽ làm cho bề mặt da bị phá vỡ, dẫn đến các triệu chứng như phát ban, ngứa, đau, sưng tấy. Các vết trầy xát này sẽ gây khó chịu kéo dài trước khi chúng lành hẳn và khiến cho bạn cảm thấy không thoải mái trong những lần chạy bộ tiếp theo. 

Chạy bộ khiến cho cơ thể và da bạn nóng, đổ mồ hôi. Chuyển động liên tục khiến cho da dễ cọ xát vào nhau hoặc cọ xát với quần áo. Tất cả điều này gây ra những vết trầy xát do chạy bộ. Trầy xát thật ra không nguy hiểm, nó chỉ là rất khó chịu. Nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa được trầy xát. Bài viết này sẽ cho bạn biết những lời khuyên giúp bảo vệ da tránh bị trầy xát để bạn tận hưởng toàn bộ quá trình chạy bộ của mình.

1. Chọn quần áo chạy vừa vặn

Điều lưu ý đầu tiên chính là trang phục chạy bộ. Tât cả trang phục phải vừa vặn với cơ thể. Quần áo phải là một trang bị hỗ trợ vận động chứ không nên hạn chế chuyển động của bạn. Những loại quần áo rộng rãi có nhiều luồng không khí như áo phông, quần đùi tập thể dục cũng rất phù hợp để vận động. Hãy đảm bảo rằng quần áo của mình không tiếp xúc cọ xát với da khi chạy. Đối với các loại áo bra thể thao, bạn hãy chắc rằng nó vừa vặn với khuôn ngực. Nếu không, chính chiếc áo sẽ gây ra ma sát gây đau cho vùng ngực.

2. Chọn chất liệu trang phục

Ngoài mức độ vừa vặn của trang phục, chất liệu cũng rất quan trọng. Một số loại vải như denim và cotton không lý tưởng cho việc luyện tập thể thao, vì khả năng hút ẩm không tốt, trọng lượng vải nặng làm tăng áp lực lên da. Để tránh những cọ xát trong khi chạy, bạn nên chọn những loại vải hút mồ hôi trên da tốt nhằm giúp cơ thể bạn khô ráo. Ví dụ như những loại vải thấm ẩm như polyester, nylon, vải tre...


Chất liệu trang phục thông thoáng giúp ngăn trầy xước khi vận động. (Ảnh: internet)

3. Kiểm tra đường may của trang phục

Đường may bên trong của quần áo chạy bộ có thể cọ vào da khi bạn chạy. Cộng với chút mồ hôi trong quá trình chạy, bạn có thể sẽ cảm thấy bỏng rát sau đó. Tránh trầy xước do đường may cọ xát bằng cách kiểm tra nhanh bất kỳ quần đùi hoặc áo sơ mi chạy bộ nào bạn định mua. Chọn quần áo có đường may khóa phẳng, ít gây kích ứng da vì chúng nằm sát vào vải hơn là thò ra ngoài. Nếu bạn muốn đi xa hơn, đừng quên cắt các nhãn trên trang phục mới của bạn. Các nhãn gắn trên trang phục có thể khiến bạn khó chịu khi chạy đường dài.

4. Thoa một lớp bảo vệ da

Trầy xát có thể xày ra bất cứ nơi nào trên cơ thể, đặc biệt là ở những vị trí đường cong và gấp khúc của cơ thể. Một số vị trí bị trầy xát khi chạy bộ phổ biến nhất là ở: nách, khủy tay, đầu gối trong, ngực, háng, đùi. Bạn cần thoa một lớp bảo vệ da ở những vị trí này để tránh trầy xát. Đối với những vùng nhỏ hơn như núm vú, bạn có thể băng lại bằng băng cá nhân hoặc băng dán thể thao.

Hãy luôn bôi trơn những vị trí dễ bị trầy xát trước khi ra đường chạy. Có nhiều vận động viên sẽ thoa một lớp gel hoặc sáp dưỡng ẩm lên da trước khi chạy. Có nhiều sự lựa chọn, chẳng hạn như các loại kem chống nứt nẻ, các loại dầu dưỡng, các loại phấn phủ đặc biệt...


Dùng các loại kem dưỡng ẩm cho vùng da nhạy cảm không bị trầy do ma sát. (Ảnh internet)

5. Luôn nắm rõ thời tiết trước khi chạy

Trong môi trường nóng ẩm, khả năng bị trầy xát sẽ nhiều hơn. Vào thời gian mùa xuân và mùa hè, khi thời tiết ấm hơn, người chạy bộ có xu hướng bị trầy xát nhiều hơn hai mùa còn lại. Trước khi ra ngoài chạy bô5 hãy kiểm tra thời tiết và nhiệt độ ngoài trời. Khi nhiệt độ trên 37°C và độ ẩm trên 70% thì tốt nhất bạn nên ở nhà hoặc phải chuẩn bị thật kỹ trước khi chạy. Chạy trong điều kiện khắc nghiệt này làm tăng nguy cơ trầy xát da và có thể gây say nắng. Đối với nhưng ngày thời tiết nắng nóng, bạn nên cân nhắc chuyển sang chạy trên máy chạy bộ, trong một phòng có máy lạnh. Hoặc bạn có thể chuyển sang chạy bộ vào buổi tối để bớt đi cái nắng nóng.

6. Tắm rửa sạch sau khi chạy bộ

Dù bạn có giữ cho cơ thể khô ráo như thế nào thì sau một buổi chạy bộ, mồ hôi cũng làm thấm ướt cơ thể và áo quần, cũng có khi do đường chạy của bạn bất chợt đổ mưa. Dù gì thì khi đến vạch đích thì chắc chắn cơ thể bạn không thể sạch sẽ tươm tất được. Sau nửa tiếng ngồi nghỉ phục hồi cơ thể, bạn hãy tắm nhanh và thay một bộ đồ khô ráo sạch sẽ khác ngay khi có thể.

Nói chung, cách tốt nhất để xử lý tình trạng cọ xát là ngăn chặn nó ngay từ đầu. Để giúp giữ cho làn da của bạn được bảo vệ và khỏe mạnh, hãy mặc quần áo tập luyện thoải mái, vừa vặn và che phủ thêm cho những vùng có ma sát cao trên cơ thể. Dành thêm thời gian để chuẩn bị có thể giúp buổi chạy của bạn vui vẻ.