Cách kiểm tra nứt gãy xương chân do vận động nhiều

Cách kiểm tra nứt gãy xương chân do vận động nhiều

Nứt gãy xương chân do vận động quá mức có thể xảy ra ngay lập tức nhưng cũng có thể xảy ra chậm chạp, dần dần xấu đi theo thời gian. Nhưng nó thường bắt đầu bởi một cảm giác không ổn ở chân. Cảm giác lúc có lúc không ở chân khiến bạn cảm thấy có thể chân mình đã xảy ra một vấn đề nào đó. Nhưng thường thì nhịp sống hằng ngày sẽ khiến bạn bỏ qua vấn đề mà bạn xem là nhỏ nhặt này. Điều cần thiết nhất là bạn phải biết và ngăn ngừa tình trạng nứt gãy xương do vận động nhiều ngay từ ban đầu.

1. Nứt gãy xương do vận động nhiều là gì?

Như chính tên gọi, đây là một chấn thương xương liên quan đến việc vận động mạnh hoặc nhiều tạo áp lực lên xương chân, khiến xương bị nứt, thậm chí là gãy. Tình trạng này thường xảy ra ở những người thường xuyên luyện tập một bộ môn với động tác nhất quán trong một thời gian dài, chẳng hạn như chạy bộ, đạp xe, leo núi.

Khi mới bắt đầu, vận động viên có thể cảm thấy đau nhức và cứng cơ rồi các cơn đau trong xương chân phát triển rõ rệt. Khi bạn không chú ý và tiếp tục hoạt động với cường độ cao, các biến chứng sẽ xuất hiện và ngày càng trầm trọng thêm, cho đến khi áp lực khiến cho xương chân bị nứt gãy nhiều hơn, gây đau nhiều hơn.

2. Kiểm tra tình trạng nứt gãy xương chân

Có ba cách để kiểm tra xem liệu chân của bạn có bị nứt gãy do hoạt động quá mức hay không:

   + Kiểm tra xem chân có điểm đau không? Có một thử nghiệm có thể giúp bạn tìm hiểu xem liệu bạn có điểm đau nào trên xương hay không. Hãy nhảy vài lần trên chân đang gặp vấn đề, nếu bị đau khi tiếp đất có thể là là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nứt gãy xương.

   + Kiểm tra xem chân có bị sưng tấy không? Mặc dù sưng tấy có thể xuất hiện ở bất kỳ chỗ nào trên chân, nhưng vị trí phổ biến nhát với tình trạng nứt gãy xương chân là sưng tấy ở phía trên bàn chân.


Sưng tấy bàn chân là một trong những dấu hiệu nứt gãy xương. (Ảnh: Internet)

   + Kiểm tra xem bạn có bị thay đổi hình thức chạy không? Những thay đổi về thể chất và hình thức trong khi chạy cũng là dấu hiệu của nứt gãy xương chân do áp lực. Cơn đau nhứt âm ỉ trên chân có thể chỉ xuất hiện khi bạn chạy bộ, làm thay đổi cách chạy của bạn.

Nếu nghi ngờ bị nứt gãy xương chân do áp lực, bạn nên đi khám tại các phòng khám chuyên khoa để bác sĩ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chắc chắn tình trạng xương của bạn.

3. Nguyên nhân phổ biến gây ra nứt gãy xương do áp lực

Hầu hết các nguyên nhân đều liên quan đến việc hoạt động liên tục với cường độ cao. Việc tăng quãng đường và thời gian chạy quá nhanh có thể khiến xương chịu nhiều áp lực. Khi thực hiện các kế hoạch luyện tập, bạn nên đảm bảo cho xương đủ thời gian để làm quen với cường độ luyện tập. Xương cần một khoảng thời gian để hấp thu dinh dưỡng, tăng mật độ xương và chắn chắn dần lên. Do đó, bạn hãy luyện tập từ từ, không nên quá vội vàng, dù là bất cứ bộ môn thể thao nào. Ngoài ra, dinh dưỡng thể thao cũng góp phần gây ra nứt gãy xương do áp lực. Khi mà dinh dưỡng trong quá trình luyện tập không được chú ý, xương không hấp thu đủ chất dinh dưỡng, khả chịu lực kém dần thì tình trạng nứt gãy xương sớm muộn cũng sẽ xảy ra.


Luyện tập cường độ quá cao gây nứt gãy xương chân. (Ảnh: internet)

4. Cách điều trị nứt gãy xương do áp lực ở chân

Khi bạn nghi ngờ bị nứt gãy xương, hãy chườm đá vùng bị đau, dùng thuốc chống viêm, giảm đau tạm thời, sau đó hãy tìm đến điều trị y tế tại các chuyên khoa xương khớp. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chụp X-quang, MRI để đảm bảo và định vị chỗ nứt xương trên chân. Khi đã xác định, bạn cần phải hạn chế vận động để cho xương có thời gian chữa lành. Xương ở xa tim nên thời gian chữa lành sẽ chậm hơn. Thay vì chạy bộ, hãy luyện tập các bài hỗ trợ khác để tăng cường sức khỏe tim mạch, bạn có thể tham khảo các bài tập hỗ trợ phục hồi trên các trang mạng hoặc liên hệ với huấn luyện viên của bạn để được hướng dẫn.

5. Cách phòng ngừa nứt gãy xương do áp lực

Khi luyện tập, bạn nên tăng cường độ luyện tập từ từ, không nên quá gấp gáp để tránh chấn thương. Lời khuyên tốt nhất là chỉ nên tăng cường độ lên 10% mỗi tuần. Việc rút ngắn sải chân cũng giúp giảm nguy cơ chấn thương. Và cuối cùng, hãy đảm bảo bạn hấp thu đủ canxi trong chế độ ăn uống để ngăn loãng xương. Người trưởng thành cần đến từ 1000mg canxi/ngày. Các loại thực phẩm như sữa chua, sữa, phô mai, đậu phụ, rau lá xanh đậm đều là những lựa chọn tuyệt vời.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận